Buôn Đôn từ lâu được nhắc đến là vùng đất huyền sử với cảnh quan hùng vĩ và bản sắc văn hóa đa dạng, vươn dài theo dòng sông Sêrêpôk nước chảy hiền hòa, trai gái, người già trẻ nhỏ say sưa vũ điệu dân gian trong lễ hội. Bà con lưu truyền, gìn giữ các bài cúng voi như: Cúng voi nhập buôn, cúng sức khỏe cho voi, đám cưới voi, cúng cắt ngà voi… Từ những đêm vang dội tiếng cồng chiêng, dưới bàn tay nghệ nhân dồn hết tâm lực cho chiêng được truyền kể trong những đêm nồng đượm nghĩa tình, khơi dậy khát vọng đối với thế hệ trẻ.
Theo những người dân nơi đây kể lại, cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, cha của ông Y Thu Knul ( vua săn voi Khun Ju Nốp) từ đất nước Triệu Voi (Lào) xuôi thuyền theo dòng Mê Kông, ngược dòng Sêrêpôk đến buôn bán, trao đổi hàng hóa với tộc người sống dọc sông Sêrêpôk. Thấy vùng đất phong cảnh hữu tình, người dân đầy lòng mến khách nên cha ông Y Thu đã chọn vùng đất này làm nơi cư trú và nên duyên với cô gái M’Nông bản địa…Lúc đầu, ông chọn một số cồn đất nổi bên sông để lập làng, đặt tên là Bản Đon (Đon là đảo) về sau mọi người quen gọi Bản Đôn. Trải qua bao biến cố, thăng trầm, từ những người Lào đầu tiên định cư ở đây, đến nay đã có hơn 300 người Việt gốc Lào đang sinh sống ở xã Krông Na (huyện Buôn Đôn).
Hàng năm, vào tháng 4 dương lịch tại khu du lịch Cầu treo Buôn Đôn, xã Krông Na diễn ra lễ hội Bunpimay là tết cổ truyền của người Lào với các hoạt động: Lễ hội hoa đăng - thả bè - lễ cầu may, lễ tắm Phật, đắp tháp cát, giao lưu văn nghệ, ẩm thực văn hóa Lào. Lễ hội Bunpimay được khu du lịch Cầu treo Buôn Đôn kết hợp với hội hữu nghị Việt – Lào cùng chính quyền địa phương tổ chức vào trung tuần tháng 4 (dương lịch), tại đây người dân té nước vào nhau để chúc phúc, cầu mong sức khỏe bình an và cầu cho một năm mới ấm no, hạnh phúc, buộc chỉ cổ tay cầu may mắn. Dưới cái nắng như đổ lửa, không khí rộn ràng, vui tươi tại lễ hội Bunpimay, những người phụ nữ Lào trong bộ trang phục truyền thống áo ngắn tay, váy hoa sặc sỡ cùng những đường nét hoa văn độc đáo uyển chuyển trong điệu múa lăm vông..
Theo tiếng Lào “lăm” là hát, “vông” là tròn, múa lăm vông là hát múa theo hình tròn. Vì vậy, múa lăm vông phải có cả một đội xếp theo hình vòng tròn, chuyển động theo tiếng nhạc. Với dân tộc Lào, lăm vông như cơm ăn, nước uống mà ai cũng biết từ lúc mới lên 3 lên 5.
Lễ buộc chỉ cổ tay là một phong tục có từ lâu đời, mang nét đẹp văn hóa, tinh thần của người dân xứ sở Triệu Voi. Phong tục này được tiến hành vào dịp tết Bunpimay, cưới xin, tiễn người đi xa...Khi buộc chỉ, người Lào bao giờ cũng dành những lời chúc tốt đẹp nhất cho người được buộc. Theo người dân ở đây, để lời chúc được hiệu nghiệm, trong vòng ba ngày người nhận lễ không được tháo sợi chỉ ra vì bất cứ lý do gì. Trong phong tục của người Lào thường cầu cho người khác hơn là cầu cho mình, bởi họ cầu mong tốt lành cho người khác thì người khác mang bình an đến cho họ.
Ngoài việc giữ gìn văn hóa qua những điệu múa Lăm vông, các lễ hội truyền thống thì văn hóa lào nơi đây còn được khắc nét qua những ngôi nhà sàn cổ còn lưu giữ lại tới ngày nay: những ngôi nhà sàn gỗ 3 mái đặc trưng của người Lào.
Văn hóa của người Lào ở xã Krông Na hiện diện rõ trong ẩm thực, nổi tiếng với những món canh hội đủ cả bốn vị: chua, cay, mặn, ngọt, vừa phổ biến trong bữa ăn hằng ngày, vừa để chiêu đãi khi có khách quý với những món ngon đặc trưng như: Lạp (Larb); nộm đu đủ ( Tam Maak Hung), bánh nếp nhân dừa..
Ngoài thương hiệu rượu AmaKong nổi tiếng của vùng Buôn Đôn, các hộ dân nơi đây cũng đang gìn giữ các truyền thống gia đình bằng các phương thức ủ rượu truyền thống, đáng phải kể đến ở đây là thương hiệu rượu “Bản Đon” được ủ theo phương pháp truyền thống của người Lào với những nguyên liệu thiên nhiên được lấy từ khu vực sông Serepok và rừng già Yok Đôn.
Đi dọc buôn Trí (xã Krông Na) những khu hàng hóa đa dạng sắc màu với đầy đủ các sản phẩm đặc trưng của người Êđê, M’Nông, Lào… Người Lào nơi đây tự hào, ông cha mình đến đây dạy cách thuần dưỡng voi cho các nài voi người Êđê, sau đó lấy vợ người Êđê rồi sinh ra mình, giờ mình nên duyên với cô gái Êđê được tiếp cận nét đẹp văn hóa độc đáo của hai dân tộc. Thế hệ sau như sợi dây kết nối, tiếp nhận, giữ gìn những giá trị đặc sắc nên tình nghĩa ngày càng bền chặt. Lúc nông nhàn hay các lễ hội những gia đình người Việt gốc Lào quây quần ôn lại những giá trị truyền thống của hai dân tộc. Đó như món ăn tinh thần xua đi nhọc nhằn trong cuộc sống lao động sản xuất thường ngày.
(Bài viết có tham khảo nội dung trên báo dân tộc và phát triển; báo Dak Lak diện tử)